Vô Thượng Niết Bàn – Lục Tổ Huệ Năng (The Sixth Patriarch Hui Neng) 34 – Cư sĩ Lê Sỹ Minh Tùng
BÁT NHÃ TÂM KINH GIẢNG GIẢI
VÔ THƯỢNG NIẾT BÀN
Lê Sỹ Minh Tùng
Download Giọng Đọc Nguyên Hà & Mỹ Ngân
34 – Lục Tổ Huệ Năng (The Sixth Patriarch Hui Neng)
Bây giờ hãy trở về với Lục Tổ Huệ Năng để nhận định lối tu thiền của Ngài tại sao lại khác biệt với lối tu thiền của Phật giáo nguyên thủy.
Lục Tổ tên là Lư Huệ Năng sinh ra tại Tân Châu, Phạm Dương. Phụ thân là Lư Hành Thao và mẹ là Lý Thị. Tổ sanh năm 638 Tây lịch và viên tịch năm 713 Tây lịch nhằm đời Võ Đức nhà Đường. Phụ thân ban đầu làm quan ở Nam Hải rồi sau đó dời về Tân Châu. Lúc Huệ Năng được ba tuổi thì phụ thân mang trọng bệnh rồi mất. Lớn lên trong một gia đình nghèo túng, một mẹ một con, cho nên mỗi ngày Huệ Năng phải vào rừng đốn củi đem ra chợ đổi gạo nuôi mẹ.
Khi lên 22 tuổi thì một hôm Huệ Năng gánh củi đem bán cho một viên ngoại địa phương. Đến nơi bỗng nghe tiếng viên ngoại đang tụng kinh trong nhà, âm ba vang ra làm Huệ Năng chợt tỉnh ngộ. Sau khi hỏi ra mới biết viên ngoại tụng kinh Kim Cang Bát Nhã (The Diamond Sutra) mà ông ta đã thỉnh được từ ngũ Tổ Hoằng Nhẫn ở chùa Đông Sơn thuộc huyện Huỳnh Mai. Trong đó có câu:”Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm” (Depending upon no-thing, you must find your own mind). The full verse said:”All Bodhisattvas, Compassionate Ones, should develop a pure mind which clings to no-thing whatsoever, and so he should establish it.
Nghe viên ngoại nói xong, lòng Huệ Năng xốn xang muốn tìm đến đó học đạo ngặt vì gia cảnh thì nghèo và mẹ già không người nuôi dưỡng. Viên ngoại động lòng từ bi cấp cho số vàng để Huệ Năng lo cho mẹ già và như lân gặp pháo Huệ Năng liền chạy về nhà xin phép mẹ cho mình đi xuất gia. Bà mẹ hân hoan nhận lời cho con mình được lên đường tầm sư học đạo.
Huệ Năng khăn gói lên đường đi về phương Bắc và trải qua hơn một tháng thì đến được huyện Huỳnh Mai. Khi vào yết kến Ngũ Tổ Hoàng Nhẫn thì được hỏi:
-Ngươi từ đâu đến?
Huệ Năng thưa:
-Từ Lãnh Nam đến.
-Đến đây để cầu việc gì?
-Con đến đây chỉ cầu làm Phật chớ không cầu việc gì khác. I have traveled far to pay you respect and I asked you nothing but Buddhahood.
-Người Lãnh Nam không có Phật tánh thì làm sao cầu làm Phật được? You are a native of Kwangtung, near Canton, a barbarian? How can you expect to be a Buddha?
-Người thì có Nam Bắc, chớ Phật tánh há có Nam Bắc sao? Although there are northern men and southern men, north and south make no difference to their Buddha Nature. A barbarian is different from your Holiness physically, but there is no difference in our Buddha Nature.
Ngũ Tổ biết Lư Huệ Năng là hàng pháp khí bèn bảo xuống nhà sau làm công quả.
Ngày qua tháng lại, Huệ Năng chỉ chuyên bửa củi, giã gạo và nấu cơm mà thôi. Nhưng khổ thay cối gạo thì to, cái chày lại lớn mà thân thể của ngài lại ốm không đủ sức nặng để nâng được cái chày. Ngài phải cột thêm cục đá vào lưng để tăng thêm sức mạnh mà giã gạo. Việc làm nặng nhọc như vậy gần ngót sáu tháng mà Huệ Năng không bao giờ trể nải, thối chí. Một hôm, Ngũ Tổ xuống nhà sau rồi đi ngay đến chỗ Huệ Năng đang giã gạo mà hỏi:
-Ngươi vì đạo mà quên mình như thế ư? Ta biết ngươi căn tánh lanh lợi, nhưng ngại kẻ khác hại ngươi nên ta không nói chuyện với ngươi. Ngươi có biết chăng?
Huệ Năng thưa:
– Con đã biết thế.
Một hôm, Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn dự biết thời kỳ truyền pháp đã đến, liền gọi đồ chúng đến bảo:
-Chánh pháp khó hiểu không nên nhớ ghi lời nói suông của ta, giữ làm nhiệm vụ của mình. Trong tất cả đồ đệ của ta, tùy ý mỗi người làm một bài kệ. Nếu ý ngộ thầm phù họp thì ta sẽ truyền pháp và y bát lại cho.
Lúc đó, hội chúng hơn bảy trăm người ai cũng tôn sùng Thượng tọa Thần Tú làm bậc thầy. Nên họ đồng bảo nhau:
-Nếu không phải Thượng tọa Tú thì còn ai đảm đương nổi.
Họ đồng nhường phần trình kệ lại cho Thần Tú. Thần Tú thầm nghe lời bàn tán của chúng hội như vậy, bèn tự suy nghĩ để làm bài kệ. Làm kệ xong, ban đêm ông lén viết lên vách chùa phía ngoài hành lang:
Thân thị Bồ-đề thọ
Tâm như minh cảnh đài
Thời thời cần phất thức
Mạc sử nhạ trần ai.
Dịch là:
Thân như cội Bồ-đề
Tâm như đài gương sáng
Luôn luôn phải lau chùi
Chớ cho dính bụi trần.
Bản dịch Anh ngữ:
The body is the Bodhi-tree or wisdom-tree,
The mind is a bright mirror in a stand;
Take care to wipe it all the time,
And allow no dust to cling.
Sáng ngày, Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn đi kinh hành thấy bài kệ liền đọc qua mới biết là của Thần Tú làm nên khen rằng:
– Người đời sau, nếu y theo bài kệ nầy mà tu hành cũng được thắng quả. Vì thế mà toàn chúng đua nhau đọc tụng.
Lúc đó, Huệ Năng đang giã gạo ở nhà sau thì nghe một vị tăng đọc lại bài kệ nầy. Hỏi ra mới biết tác giả là ngài Thần Tú. Huệ Năng bèn nhờ dẫn đến chỗ viết bài kệ để xem và đồng thời nhờ viết giùm một bài kệ để đối lại vì Huệ Năng không biết chữ.
Bồ-đề bổn vô thọ
Minh cảnh diệt phi đài
Bổn lai vô nhất vật
Hà xứ nhạ trần ai.
Dịch là:
Bồ-đề chẳng phải cây
Chơn tâm chẳng phải đài
Xưa nay không một vật
Chỗ nào dính bụi trần.
Bản dịch Anh ngữ:
Fundamentally no wisdom-tree exists,
Nor the stand of a mirror bright.
Since all is empty from the beginning,
Where can the dust alight.
Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn sau khi đọc qua bài kệ trên thì biết Huệ Năng đã thấy Tánh trong khi Thần Tú thì chưa thấy. Nhưng sợ có người tị hiềm mà ám hại Huệ Năng nên Ngũ Tổ làm bộ nói rằng:
-Ai làm bài kệ nầy cũng chưa thấy tánh.
Mấy hôm sau, Ngũ Tổ tìm cơ hội xuống nhà sau. Thấy Huệ Năng đang giã gạo thì Ngũ Tổ hỏi rằng:
-Gạo trắng chưa?
Huệ Năng thưa:
-Đã trắng mà chưa có sàng.
Ngũ Tổ bèn cầm gậy gõ trên tay cối ba cái, rồi đi lên.
Huệ Năng hiểu ý nên canh ba đêm ấy Huệ Năng vào thất của Ngũ Tổ. Sợ có người biết, Ngũ Tổ bèn lấy y che xung quanh thất rồi đem Kinh Kim Cang ra giảng cho Huệ Năng nghe. Khi nghe đến câu:”Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm” thì Huệ Năng chợt bừng ngộ. Ngũ Tổ dạy rằng:
-Chư Phật ra đời vì một đại sự nhân duyên. Bởi căn cơ của chúng sinh cao thấp khác nhau mà tùy theo đó hướng dẫn. Vì thế mới có ba thừa và mười địa đốn tiệm nên được gọi là giáo môn. Chính Đức Thế Tôn đã đem chánh pháp nhãn tạng vô thượng chơn thật vi diệu truyền cho Tổ Đại Ca Diếp và lần lượt truyền đến đời thứ 28 là Tổ Bồ- Đề Đạt Ma. Tổ Đạt Ma sang Trung Quốc truyền nối đến đời ta. Nay ta đem đại pháp và y bát đã thọ mà truyền lại cho ngươi. Ngươi phải ràng giữ gìn truyền trao đừng cho bặt đứt.
Và Ngũ Tổ dạy thêm một bài kệ:
Hữu tình lai hạ chủng
Nhơn địa quả hoàn sanh
Vô tình ký vô chủng
Vô tánh diệt vô sanh
Dịch là:
Hữu tình đến gieo giống
Nhơn đất quả lại sanh
Vô tình đã không giống
Không tánh cũng không sanh.
Huệ Năng thọ pháp và y bát xong, lễ bái và thưa:
-Pháp con đã nghe dạy, còn y bát có nên truyền cho người sau chăng?
Ngũ Tổ bảo:
-Xưa Tổ Đạt Ma sang Trung Hoa mà ngài là người nước khác. Vì thế khi truyền pháp cho Tổ Huệ Khả vẫn ngại người đời không tin sự truyền thừa của thầy trò nên lấy y bát mà truyền cho để làm tín nghiệm. Nay tông của ta thiên hạ đều biết rõ, không còn ai chẳng tin, nên việc truyền y bát nên dừng ngay bắt đầu từ đời ngươi. Song chánh pháp đến đời ngươi truyền bá càng rộng, nếu còn truyền y bát sẽ sanh sự tranh giành. Cho nên nói: ”người nhận y bát thì tánh mạng như chỉ mành”. Ngươi nên đi liền, khéo tránh và đợi đúng thời gian sẽ hoằng hóa.
Huệ Năng lại hỏi:
-Nay con phải đi về đâu?
Ngũ Tổ dạy:
-Đến Hoài thì dừng, gặp Hội thì ẩn.
Huệ Năng lãnh dạy, lễ tạ rồi ra đi ngay trong đêm ấy.
Sau khi truyền pháp Ngũ Tổ không thượng đường thuyết pháp liên tiếp ba ngày làm cho toàn chúng nghi ngờ. Họ đồng đến thưa thỉnh thì Ngũ Tổ mới bảo:
-Pháp của ta đã đi về phương Nam rồi. Đâu còn gì để nói.
Toàn chúng hỏi lại:
-Người nào được truyền?
Ngũ Tổ bây giờ mới nói:
-Chính ta đã truyền cho Huệ Năng.
Lúc bấy giờ Huệ Năng là một chàng trai rất trẻ khoảng ngoài hai mươi mà lại là cư sĩ chớ không phải là người xuất gia cho nên toàn chúng trên 700 người không ai đồng ý với quyết định của Tổ Hoằng Nhẫn vì họ không hiểu những gì Ngũ Tổ thấy được ở con người Huệ Năng. Từ ngày Tổ Bồ-Đề Đạt Ma đến Trung Hoa thì đường lối tu hành được thay đổi rất nhiều. Tư tưởng mà Tổ Đạt Ma truyền sang là khuyên con người đừng xem kinh điển là giác ngộ mà chỉ dùng nó như là chiếc thuyền để đến bờ bên kia. Kinh điển chỉ là ngón tay còn mặt trăng mới là chân lý mà ngón tay không thể nào là mặt trăng được. Vì thế phương cách tu hành của Tổ là con người phải quay về với tâm thật của mình để thấy cái Tánh tức là cái bản tâm thanh tịnh, không dơ, không sạch, không tăng, không giảm, không sanh diệt thì người đó sẽ được kiến tánh tức là thấy được Phật rồi vậy. Tuy Huệ Năng còn nhỏ tuổi, nhưng tâm không dính mắc sáu trần vì thế mặc dù cuộc sống có cơ cực nhưng tâm hồn lúc nào cũng trong sáng và thanh tịnh. Đây chính là sống với tánh giác của ngài.
Huệ Năng mang y bát đi được mấy hôm thì đến Dưu Lãnh. Lúc bấy giờ đồ đệ của Thần Tú là Huệ Minh là người vừa thông minh và vừa tinh thông võ thuật nghe tin Huệ Năng đang hướng về phương Nam thì tức tốc đuổi theo kịp. Túng thế Huệ Năng đem y bát để trên một tảng đá rồi vào rừng ẩn núp. Huệ Minh đến dỡ y bát lên không nổi nên đành phải kêu:
-Hành giả! Tôi đến đây vì pháp chớ không vì y bát. I come for the Dharma, not for the robe.
Huệ Năng nghe nói liền bước ra ngồi trên tảng đá và nói:
-Nếu ông vì pháp thì hãy bình tâm lại nghe tôi nói. Since the objects of your coming is the Dharma, refrain from thinking and keep your mind empty. I will then teach you.
Huệ Minh đứng lặng yên hồi lâu thì Huệ Năng mới bảo:
-Khi không nghĩ thiện, không nghĩ ác, cái gì là bản lai diện mục của Thượng tọa Minh?
-When you are thinking of neither good nor evil, at this particular moment, What is your original nature (Buddha Nature)? Hui Neng added:”If you turn your light inwardly, you will find what is esoteric within you”.
Huệ Minh nghe xong câu nầy liền đại ngộ.
Sau đó Huệ Năng tiếp tục đi về phương Nam và thường tàng ẩn nơi hai ấp Hoài và Hội. Có lúc gặp sự khó khăn của cuộc sống Huệ Năng gia nhập vào đoàn thợ săn. Nhưng đến bửa ăn thì ngài hái rau rồi luộc nhờ trong nồi thịt, ngài chỉ ăn rau chớ không ăn thịt. Như vậy, mặc dù Huệ Năng sống với hình thức cư sĩ nhưng vẫn thường uy nghi nói pháp cho họ nghe.
Một hôm Huệ Năng đến Thiền Châu thì được kết bạn với ông cư sĩ Lưu Chi Lược. Ông cư sĩ nầy có người cô đi tu hiệu là Vô Tận Tạng và vị ni cô nầy thường tụng kinh Niết Bàn. Khi nghe ni cô tụng qua thì Huệ Năng đã hiểu được thâm ý. Thấy thế ni cô bèn đem quyển kinh ra hỏi chữ. Huệ Năng trả lời:
-Chữ thì tôi không biết còn nghĩa tùy cô cứ hỏi.
Ngạc nhiên, ni cô hỏi lại:
-Chữ còn không biết thì làm sao hiểu được nghĩa?
Huệ Năng bảo:
-Diệu lý của chư Phật chẳng quan hệ gì đến văn tự.
Sư cô nghe nói kinh ngạc liền báo tin cho các bậc kỳ lão trong làng biết:
-Có bậc đạo sĩ đáng cúng dường.
Dân chúng trong làng nghe tin kéo nhau đến chiêm lễ Huệ Năng và họ thỉnh ngài về trụ trì ở một ngôi chùa cổ hiệu Bửu Lâm gần đó. Hằng ngày tứ chúng bốn phương tụ hợp về đông đảo và không bao lâu ngôi chùa cổ Bửu Lâm biến thành một đạo tràng xinh đẹp.
Sau đó vì có người theo dõi nên Huệ Năng lại phải tìm nơi ẩn tránh.
Xuân qua Hạ đến thế mà Huệ Năng đã ẩn tránh trên mười sáu năm. Ngày kia biết cơ duyên hoằng pháp đã đến Huệ Năng tìm đến Quảng Châu. Lúc đó nhằm ngày mùng tám tháng giêng năm Bính Tý đời nhà Đường tức năm 676 Tây lịch.
Huệ Năng vào nghĩ ngơi ngoài hiên chùa Pháp Tánh.
Hôm ấy pháp sư Ấn Tông đang giảng kinh Niết Bàn. Trước chùa có treo lá phướn dài và gió thổi làm là phướn phất phơ qua lại. Có hai tu sĩ muốn lấy đó làm đề tài tranh luận. Một vị nói:”phướn động” còn vị kia thì bảo:”gió động”. Thấy người nói qua kẻ nói lại, không đâu ra đâu nên Huệ Năng mới bảo:
-Có thể cho khách cư sĩ nầy lạm bàn chăng?
Hai vị đồng ý thì Huệ Năng bảo:
-Không phải phướng động cũng không phải gió động mà chính là tâm của nhơn giả động.
Mọi người nghe qua đều ngạc nhiên. Họ liền báo cho Ấn Tông biết lời bàn kỳ diệu ấy.
Hôm sau Ấn Tông mời Huệ Năng vào để hỏi về lý “tâm động”. Huệ Năng giải thích rất thâm siêu cực diệu làm Ấn Tông bất giác đứng dậy thưa:
-Ngài không phải là người thường. Nghe nói y bát của Ngũ Tổ đã về phương Nam. Vậy có phải là Ngài chăng?
Huệ Năng bảo:
-Chẳng dám.
Ấn Tông bèn tụ họp tứ chúng và cầu xin Huệ Năng cho xem y bát của Tổ. Huệ Năng bèn đem y bát cho đại chúng cùng chiêm bái.
Ấn Tông xin làm đệ tử và đồng thời mong ngài chỉ dạy về thiền yếu.
Đến ngày rằm tháng giêng, Ấn Tông thỉnh các bậc danh đức đến làm lễ thế phát cho Huệ Năng. Đến ngày mùng tám tháng hai thì làm lễ truyền giới cụ túc cho Huệ Năng tại chùa Pháp Tánh.
Ngày xưa tại chùa Pháp Tánh nầy, vào đời Tống Ngài Tam Tạng Cầu Na Bạt Đà La đã tiên đoán là sau nầy sẽ có nhục thân Bồ tát thọ giới tại đây. Sau đó vào thời Lương mạc, Tam tạng Chân Đế đích thân trồng hai cây Bồ-đề tại chùa nầy và bảo tứ chúng rằng:
-Sau khoảng một trăm hai chục năm sẽ có bậc đại sĩ ở dưới cội Bồ-đề nầy để khai diễn nói pháp vô thượng thừa mà độ vô lượng chúng sanh.
Sau đó có quan Thích Sử Thiều Châu tên là Vi Cừ thỉnh Lục Tổ đến chùa Đại Phạm để thuyết pháp môn vi diệu và thọ giới vô tướng tâm địa. Thính chúng từ quan quân, sĩ thứ và kẻ xuất gia cùng tại gia đến dự nghe pháp trên ngàn người.
Năm sau, Lục Tổ muốn trở về chùa Bửu Lâm ở Tào Khê là chỗ ẩn xưa kia. Lục Tổ an trú ở đây và tăng chúng xa gần đua nhau đến tham vấn hằng ngày trên dưới ngàn người. Lục Tổ truyền dựng cây cờ Đại pháp để bốn phương trông thấy mà hướng về.
Gần ba mươi năm sau tức là năm 705 Tây lịch, vua Trung Tông xuống chiếu sai sứ là Tiết Giảm đi thỉnh Tổ về triều. Lục Tổ từ chối vì lý do bệnh. Trong lời từ chối, Lục Tổ có câu:” Tôi nguyện được trọn đời ở chốn núi rừng”.
Tiết Giảm nhân cơ hội mà tham vấn về Phật pháp nên hỏi:
-Các bậc cao tăng nơi kinh thành đều nói:”muốn được ngộ đạo cần phải tọa thiền tập định. Nếu không nhờ thiền định mà được giải thoát là việc chưa từng thấy”. Vậy xin Thầy chỉ dạy thêm.
Lục Tổ đáp:
-Đạo do tâm ngộ, đâu phải ngồi. Kinh dạy rằng:”Nếu nói Như Lai hoặc đến, hoặc đi, hoặc nằm là người ấy không hiểu nghĩa Như Lai. Vì sao? Bởi vì Như Lai không từ đâu đến và cũng không đi về đâu. Vì không từ đâu đến nên không sanh và vì không đi về đâu nên không diệt. Nếu không sanh không diệt là Như Lai thanh tịnh thiền. Các pháp không tịch là Như Lai thanh tịnh tọa. Tột cùng không được, cũng không có chỗ chứng, huống hồ là ngồi ư?
Tiết Giảm thưa:
-Đệ tử trở về kinh đô ắt Chúa Thượng có hỏi. Cúi xin Hòa Thượng từ bi chỉ cho chỗ tâm yếu để giúp kẻ học giả ở kinh đô biết mà tu hành. Ví như thắp một ngọn đèn, từ đó mồi thêm được trăm ngàn ngọn đèn, khiến cho chỗ tối tăm được sáng và sáng mãi không cùng.
Lục Tổ bảo:
-Đạo không có tối sáng mà tối sáng là nghĩa đối đãi nhau. Dù sáng mãi không cùng cũng là có cùng. Vì thế kinh mới có câu:”Pháp không có so sánh vì không có đối đãi”. Sáng thì như trí tuệ còn tối thì như phiền não. Người tu hành không dùng trí tuệ chiếu phá phiền não thì cái sanh tử từ vô thủy do đâu được ra khỏi?
Ý của Lục Tổ là nếu nghĩ có tối có sáng là hai cái đối nghịch nhau tức là nhị nguyên. Nói rộng rãi hơn thì trí tuệ đối với phiền não là nhị nguyên. Nhưng thật ra trong Phật pháp không hề có nhị nguyên bởi vì sáng tức là tối cũng như trí tuệ tức là phiền não. Đây là nguyên lý bất nhị của nhà Phật. Tại sao? Trí tuệ và phiền não thì lúc nào cũng có sẵn trong chúng ta chớ không phải đem từ một nơi nào đến. Một khi chúng sinh thấu hiểu Phật pháp cố tâm đoạn trừ hết phiền não để sống với cái tánh giác thanh tịnh của mình thì trí tuệ hay Bồ-đề sẽ hiện ra ngay. Nói một cách khác là trí tuệ Bồ-đề bị phiền não tăm tối che lấp trong tâm của chúng ta. Nếu con người có đủ năng lực lấy tay vén lớp phiền não vô minh bên trên thì sẽ thấy được nước trong tinh khiết nằm ở dưới mà thôi.
Lục Tổ dạy tiếp:
-Nếu dùng trí tuệ chiếu phá phiền não thì đây là kẻ tiểu căn Nhị thừa, là xe dê, xe nai. Còn người đại căn thượng trí thì không như vậy.
Tiết Giãm hỏi:
-Thế nào là chỗ kiến giải của Đại thừa?
Tổ đáp:
-Sáng cùng không sáng tánh nó chẳng hai. Tánh không hai tức là tánh thật. Thật tánh thì ở phàm phu chẳng bớt và ở hiển thánh chẳng thêm. Dừng nơi phiền não mà chẳng loạn, đứng nơi thiền định mà chẳng lặng. Chẳng đoạn, chẳng thường, chẳng đến, chẳng đi, chẳng ở giữa và hai bên, chẳng sanh, chẳng diệt. Tánh tướng như như, thường trụ không dời đổi thì đó là Đạo.
Tiết Giảm lại hỏi:
-Hòa thượng nói chẳng sanh chẳng diệt thì có khác gì chúng ngoại đạo nói?
Lục Tổ bảo:
-Ngoại đạo nói chẳng sanh diệt là đem cái diệt chận cái sanh hay lấy cái sanh để bài cái diệt. Diệt vẫn chẳng diệt, sanh nói không sanh. Ta nói không sanh diệt là xưa tự không sanh, nay cũng không diệt thì đâu có thể giống như thuyết của ngoại đạo được. Ông muốn rõ được tâm yếu thì đối với tất cả việc thiện ác đều chớ suy nghĩ, tự nhiên được vào. Tâm thể trong trẻo thường lặng lẽ diệu dụng như hằng sa.
Tiết Giảm nghe qua liền đại ngộ rồi lễ bái Lục Tổ để về triều. Về đến triều đình Tiết Giảm bèn thuật lại tất cả tự sự cho vua nghe. Nhà vua càng thêm cung kính, khen ngợi và ban chiếu cúng dường cà sa, tích trượng và đổi tên chùa Bửu Lâm là Trung Hưng.
Năm sau, nhà vua lại trùng tu chùa Trung Hưng và đổi tên thành chùa Pháp Tuyền. Còn ngôi chùa tại Tân Châu thì được đổi lại là chùa Quốc Ân.
Một hôm Lục Tổ dạy tứ chúng rằng:
-Thiện tri thức! Các ngươi mỗi người tịnh tâm nghe ta nói pháp. Tất cả hết thảy các ngươi nên biết rằng tâm mình là Phật chớ có hồ nghi. Chính tâm mình sinh ra muôn pháp chớ bên ngoài không có thể dựng lập một pháp nào. Vì thế nên kinh nói:”Tâm sanh thì các pháp sanh, tâm diệt thì các thứ pháp diệt”. Nếu muốn thành tựu chủng trí phải đạt nhất tướng tam muội và nhất hạnh tam muội. Nếu ở tất cả chỗ mà không trụ tướng, ở trong tướng ấy mà không sanh yêu ghét, chẳng lấy, chẳng bỏ, chẳng nghĩ việc lợi ích, thành hoại… an ổn thanh tịnh thì gọi là nhất tướng tam muội. Nếu ở tất cả chỗ đi đứng, nằm ngồi mà giữ một trực tâm, không dời khỏi đạo tràng, liền thành tịnh độ thì gọi là nhất hạnh tam muội. Nếu người đủ hai tam muội nầy thì như đất có giống hay chứa đựng, nuôi dưỡng thành tựu được bông trái của nó. Nhất tướng, nhất hạnh cũng lại như vậy.
Tổ lại tiếp:
-Nay ta nói pháp, ví như khi mưa thấm ướt cả đất. Phật tánh của các ngươi ví như các hột giống vừa gặp thấm ướt liền nẩy mầm. Giữ đúng lời ta quyết được Bồ đề. Đúng theo lời ta dạy mà thực hành nhất định chứng quả Phật.
Năm 712 Tây lịch, một hôm Lục Tổ cho gọi đồ chúng đến bảo rằng:
-Ta ở chỗ Tổ Hoằng Nhẫn thọ pháp yếu cùng y bát. Nay ta tuy nói pháp mà không truyền y bát cũng bởi các ngươi lòng tin đã thuần thục, không còn nghi ngờ, nên chẳng truyền. Ta có bài kệ:
Tâm địa hàm chư chúng
Phổ vũ tất giai manh
Đốn ngộ hoa tình dĩ
Bồ-đề quả tự thành.
Dịch là:
Đất tâm chứa các giống
Mưa khắp ắt nẩy mầm
Hoa tình vừa đốn ngộ
Trái Bồ-đề tự thành.
Tổ lại bảo:
-Pháp ấy không hai, tâm ấy cũng vậy. Đạo kia thanh thịnh cũng không các tướng. Các ngươi dè dặt chớ quán tịnh và tâm kia không. Tâm nầy sẵn tịnh, không lấy bỏ, mỗi người tự nổ lực tùy duyên đi an lành.
Mới ngày nào còn chạy ngược chạy xuôi mà bây giờ Lục Tổ thuyết pháp độ sanh đã được bốn chục năm. Biết mình sắp nhập diệt nên Tổ sai người về chùa Quốc Ân ở Tân Châu để xây tháp. Đến ngày mùng 1 tháng 7 năm 713 Tây lịch, Tổ cho gọi môn nhơn đến bảo rằng:
-Ta muốn trở về Tân Châu, các ngươi lo sửa soạn thuyền.
Lúc ấy tất cả đại chúng đều buồn bả cố thỉnh Tổ ở lại. Tổ dạy:
-Chư Phật ra đời vẫn thị hiện vào Niết Bàn. Có đến ắt có đi, lẽ đó là việc thường. Vậy thân hình hài của ta về ắt có chỗ.
Đại chúng lại hỏi:
-Hôm nay thầy đi bao giờ trở lại?
-Lá rụng về cội, trở lại không hẹn.
-Pháp nhãn tạng, thầy sẽ trao cho người nào?
Tổ đáp:
-Có đạo thì được, vô tâm thì không.
Đại chúng lại hỏi:
-Thầy để lời di chúc xem có nạn không?
Ta nhập diệt khoảng năm, sáu năm ắt có người đến lấy đầu ta.
Nói xong Tổ liền làm bài kệ:
Đầu thượng dưỡng thân
Khẩu lý tu xan
Ngộ Mãn chi nạn
Dương Liễu vi quan.
Dịch là:
Trên đầu nuôi thân
Trong miệng để ăn
Gặp Mãn gây nạn
Dương Liễu làm quan.
Tổ dạy tiếp:
-Sau khi ta nhập diệt khoảng bảy chục năm thì sẽ có hai vị Bồ tát từ phương Đông đến. Một vị là tại gia và một vị xuất gia cùng chung hưng hóa Phật pháp để sửa lại các ngôi nhà lam và nâng đỡ tông chỉ của ta.
Lúc Tổ về đến Tân Châu, vào chùa Quốc Ân, tắm gội xong rồi ngồi kiết già và an nhiên thị tịch. Khi ấy có mùi hương lạ xông ra và có cầu vòng trắng bay lên. Tổ nhập diệt nhằm ngày mùng hai tháng tám năm 713 Tây lịch đời nhà Đường thọ 76 tuổi.
Bấy giờ môn đồ hai châu Thiều và Tân muốn đem hài cốt của Tổ về châu mình để an táng. Nhưng bàn tán mãi mà không tìm được giải pháp chung nên sau cùng họ phải thắp hương cầu nguyện ý Tổ là nếu khói hương bay về hướng nào thì vâng theo ý đó. Khói hương bay thẳng hướng Tào Khê cho nên tất cả môn đồ đưa linh cữu về nhập thất tại Tào Hầu nay là chùa Nam Hoa.
Vua Đường Hiến Tông truy phong Tổ là Đại Giám Thiền Sư, tháp hiệu là Nguyên Hòa Linh Chiếu. Tất cả những lời Lục Tổ dạy đa số được ghi chép trong quyển Pháp Bảo Đàn Kinh.
Sự khác biệt về phương cách tu hành giữa Ngài Thần Tú và Lục Tổ Huệ Năng đã phân chia Nam Bắc bao nhiêu thế hệ mà về sau có câu:
“Đốn tiệm tuy thù, thành công tắt nhất, hà phân Nam Bắc” có nghĩa là đốn tiệm tuy khác, thành công là một, hà chia Nam Bắc.
Đốn thì tức khắc thành Phật. Chúng ta chỉ thấy hiện tại họ tức thời khai ngộ chứ có biết đâu từ bao nhiêu kiếp trước đã từng huân tu Phật pháp nên ngày nay họ mới bừng ngộ. Còn tiệm là cứ tu dần dần cho tới khi công thành thì đốn ngộ. Như thế thì đốn tiệm tuy phương tiện có khác nhưng cứu cánh đi đến thành công vẫn là một. Tuy phương cách có khác nhưng cứu cánh như nhau thì làm gì có Bắc hay Nam. Cho nên người xưa cũng đối lại với câu trên là:
“Thánh phàm tạm dị, căn tính khước đồng, mạc luận Đông Tây” tức là thánh, phàm tạm thời khác, căn tánh thì giống nhau, đừng luận Đông Tây.
Thánh là Phật còn phàm là chúng sinh. Tuy có thánh phàm hay Phật và chúng sinh nhưng căn tánh thì như nhau bởi vì tất cả đều có Phật tánh. Phật có Phật tánh nên mới thành Phật còn chúng sinh sẽ thành Phật cũng vì có Phật tánh. Nếu thế thì Đông hay Tây cũng đều có khả năng thành Phật cả.
Phật và chúng sanh là bình đẳng, nhưng sao chúng sanh lại là chúng sanh? Vì chúng sanh si mê bản tánh. Tại sao lại thành Phật? Vì chúng sanh đi ngược trở về nguồn cội Phật tánh nên thành Phật. Vì thế mà thánh và phàm chẳng phải là hai mà cùng một nghĩa của Phật. Khi còn tâm phân biệt thì còn là chúng sanh nhưng khi hết tâm phân biệt thì chúng sanh là Phật.
Tổ Bồ-Đề Đạt Ma đã có công đặt nền móng cho ngôi nhà thiền tông và Lục Tổ Huệ Năng được xem là người đã xây cất nên ngôi nhà kỳ diệu đó để còn lưu truyền cho đến ngày nay và mãi mãi về sau.
Lục Tổ nói:”không nghĩ thiện, không nghĩ ác, cái gì là bản lai diện mục của Thượng Tọa Minh?”. Khi con người không nghĩ thiện, không nghĩ ác, không nghĩ tốt, không nghĩ xấu, không nghĩ hay, không nghĩ dở …là họ đang sống với cái tâm bình thường của mình. Vì thế Kinh Hoa Nghiêm có câu:”Bản lai diện mục, Niết bàn diệu tâm” là vậy. Con người thường hay có thói quen là so sánh hay dùng đối tượng để đối chiếu. Chẳng hạn cái nhà nầy thì đẹp hơn cái nhà kia. Xe của tôi thì sang hơn xe của anh. Nhà hàng nầy nấu ngon hơn nhà hàng kia…Đây là kết quả của thuyết Nhị Nguyên (Dualism). Thuyết nầy cho rằng các hiện tượng của nhân sinh vũ trụ là do hai thứ bản thể đối nghịch làm thành, như thiện và ác, thể chất và linh hồn…Thuyết nhị nguyên nầy rất được ưa chuộng đối với người Tây phương vì nó giúp cho họ dễ dàng giải thích mọi hiện tượng hoặc đen hoặc trắng. Thí dụ một can phạm thì hoặc là có tội hoặc là vô tội.
Đối với triết lý Tây phương thì họ tin tưởng vào thuyết “Tiền Định” (Determinism) mà nhà Phật gọi là thuyết “Nhân Quả”. Thuyết nầy cho rằng toàn thể thiên nhiên, trong đó có loài người, được chi phối bởi luật nhân quả (the law of cause and effect) tức là mỗi hiện tượng xảy ra không thể nào tự có mà phải có nguyên nhân. Đây cũng chính là giả thuyết căn bản của khoa học để tìm hiểu những định luật của thiên nhiên. Đối nghịch với thuyết Tiền Định hay Nhân Quả là thuyết Vô Định (Indeterminism) mà nhà Phật gọi là thuyết “Nhân Duyên”. Thuyết nầy cho rằng mọi việc xảy ra đều là do tình cờ ngẫu nhiên chứ chẳng có liên quan gì tới bất kỳ những gì xảy ra trước đó. Hai thuyết Tiền Định và Vô Định là hai thái cực đã từng làm cho các triết gia Tây phương điên đầu bởi vì cái nầy đúng thì cái đó không thể sai được. Bởi có hai thái cực như thế nên thuyết Nhị Nguyên mới ra đời.
Nhưng việc đời không luôn luôn đơn giản như thế. Trong thế gian nầy có biết bao trường hợp ngoại lệ mà thuyết Nhị Nguyên đành bó tay. Chẳng hạn như có rất nhiều gia đình trâm anh thế phiệt, đa số con cháu ngoan ngoãn nết na tức là hợp với thuyết Nhân Quả (Tiền định) tự nhiên lại có một đứa con lêu lổng hoang đàng tức là hợp với thuyết Nhân Duyên (Vô định). Ngược lại trong chốn bùn dơ lại có khi mọc lên một đóa hoa sen thơm ngát.
Chân lý của Đức Phật là xóa tan những biên giới của tư tưởng nhị nguyên để trở về với bản thể chân thật của nó là thân tâm nhất như. Chẳng hạn như hiện nay ở Hoa Kỳ danh từ sức khỏe tinh thần và sức khỏe thể xác được áp dụng rất rộng rãi. Khi tâm bất an thì đi bác sĩ tâm lý còn bệnh về thể xác thì chúng ta đi bác sĩ gia đình. Nhưng đối với Phật giáo thì tinh thần và thể xác là một. Tinh thần nằm trong thể xác và ngược lại. Thể xác có sinh tồn ổn thỏa cần có một tinh thần lành mạnh và con người muốn được an vui tự tại thì cả tinh thần lẫn thể xác phải hoạt động hòa điệu với nhau.
Chỉ có Phật giáo mới cho chúng ta thấy được lẽ thật của tất cả hiện tượng trong vũ trụ nầy mà không còn hồ nghi. Bởi vì hễ bản thể có tới đâu thì hiện tượng có tới đấy. Con người hiện nay vì chạy theo thuyết Nhị Nguyên nên sống trong quay cuồng điên đảo vì thế Đức Phật mới dạy chúng sinh quay về sống với nguyên lý Bất Nhị tức là không hai thì tâm tư sẽ được ổn thỏa và cuộc sống sẽ trở lại an vui tự tại.Vì thế trong cái thế giới huyễn hóa nầy tất cả mọi người, mọi vật và mọi hiện tượng đều là Không và cũng chính từ trong cái Không nầy mà không có một cá thể riêng biệt độc lập nào có thể tách hẳn ra khỏi môi trường chung quanh được. Cũng như Sắc và Không thì chúng không bao giờ có thể tách rời nhau được. Do đó không có gì là toàn Sắc và cũng chẳng có gì là toàn Không. Như thế Sắc tức là Không và Không tức là Sắc hay nói một cách khác Sắc và Không là một tức là bất nhị. Nếu áp dụng thuyết nhị nguyên vào trong đời sống gia đình thì người chồng và người vợ là hai. Chồng có tiền bạc riêng của chồng và vợ thì hoàn toàn độc lập riêng của vợ. Thử hỏi gia đình nầy thật sự có hạnh phúc không? Bây giờ nếu ứng dụng nguyên lý bất nhị thì chồng tức là vợ và vợ chính là chồng, tuy hai nhưng mà một thì gia đình nầy mới thật sự hạnh phúc. Vì thế cổ nhân có câu:”của chồng công vợ” là vậy.
Tags: Lục Tổ Huệ Năng, Lục tổ huệ năng là đệ tử của ai?, Lục tổ Huệ Năng quê ở đâu?, Sư phụ của Lục tổ Huệ Năng là ai?, Huệ Năng có nghĩa là gì? Phim Lục to Huệ Năng, Nhục thân Lục to Huệ Năng, Lục to Huệ Năng Tập 2, Lục to Huệ Năng phần 3, Kinh Lục to Huệ Năng, Lục to Huệ Năng là người Việt Nam, Phim Lục tổ Huệ Năng Full, Bài kệ của Lục tổ Huệ Năng, le sy minh tung, lục tổ huệ năng cư sỹ lê sỹ minh tùng, Lục Tổ Huệ Năng, Lục tổ huệ năng là đệ tử của ai?, Lục tổ Huệ Năng quê ở đâu?, Sư phụ của Lục tổ Huệ Năng là ai?, Huệ Năng có nghĩa là gì? Phim Lục to Huệ Năng, Nhục thân Lục to Huệ Năng, Lục to Huệ Năng Tập 2, Lục to Huệ Năng phần 3, Kinh Lục to Huệ Năng, Lục to Huệ Năng là người Việt Nam, Phim Lục tổ Huệ Năng Full, Bài kệ của Lục tổ Huệ Năng, le sy minh tung, lục tổ huệ năng cư sỹ lê sỹ minh tùng,